Giải pháp an toàn cho công trình lân cận khi thi công nền móng
Trao đổi với Báo Xây Dựng ngày 14/8/2018, PGS.TS Trần Chủng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam thì trong các giải pháp móng hiệu quả cho nhà cao tầng thì móng cọc vẫn được nhiều chủ đầu tư lựa chọn vì những ưu điểm nhất định của nó. Tuy nhiên, trong quá trình thi công cũng gây không ít ảnh hưởng tới các công trình kế bên bởi các tác nhân gây lún, nứt và tác động không nhỏ đến việc quản lý chất lượng, chi phí và tiến độ hoàn thành công trình…
Việc lựa chọn giải pháp móng xét đơn thuần về yếu tố kỹ thuật và kinh tế là chưa đủ mà cần lựa chọn giải pháp thi công ít gây ảnh hưởng tới công trình lân cận như cách hạ cọc (ép tĩnh cọc, ép cọc kết hợp khoan trước), đồng thời ít gây tác động đến môi trường và điều kiện dân cư khu vực. Bên cạnh đó, việc đào hố móng cũng cần tính toán chi tiết và lựa chọn giải pháp để hạn chế tác động sạt lở hay dịch chuyển của đất nền nhà lân cận.
Cũng trên Báo Xây Dựng, ông Huỳnh Thanh Hoàng - Giám đốc Phòng Kỹ thuật Tổng hợp Tập đoàn Phan Vũ chia sẻ về Giải pháp an toàn cho công trình lân cận khi trong thi công nền móng: "Một trong các giải pháp có nhiều ưu điểm để hạn chế các sự cố về ảnh hưởng tới công trình lân cận khi thi công nền móng và có giá trị kinh tế kỹ thuật phù hợp là ứng dụng kỹ thuật thi công cọc khoan hạ".
Việc lún, nứt khi thi công móng không chỉ ảnh hưởng tới những công trình xung quanh mà còn ảnh hưởng tới chính bản thân hệ cọc của chính công trình đang thi công. Ưu điểm của cọc khoan hạ là phương pháp thay thế vật liệu nền. Bởi nền móng bằng vật chất yếu như bùn đất, sét, cát, đặc biệt là các vùng địa chất yếu như khu vực Quận 2, Quận 7 vẫn có thể áp dụng được một cách hiệu quả là do vật liệu trong đất tự nhiên được lấy lên một phần, sau đó thay thế bằng vật liệu cứng hóa là xi măng để dần hình thành nên hỗn hợp bê tông xi măng đất, không gây chèn ép, giảm biến động độ cứng tổng thể của đất nền nguyên trạng, không hình thành áp lực dư trong nền đất trong quá trình thi công. Khi thi công, công tác tính toán có độ sâu tối ưu và đường kính tối ưu được lựa chọn phù hợp để đưa cọc vào nền đất tại độ sâu phù hợp để có thế phát huy tối đa tính hiệu quả của sức chịu tải trên cọc, đồng thời phải đảm bảo điều kiện thiết bị và kinh nghiệm thi công tại Việt Nam có thể áp dụng được,hạn chế trường hợp thiết kế chỉ có 1 phương án cọc áp dụng được được thì dẫn đến việc suy giảm tính cạnh tranh cũng như tính sáng tạo trong kỹ thuật thi công xây dựng hiện đại.
Một ưu điểm nữa của cọc khoan hạ là tối ưu hóa được sức chịu tải của vật liệu bê tông cọc. Điều này được thể hiện qua giá trị cường độ bê tông mác rất cao (tối thiểu 80 MPa) và giảm thiểu các tác động tới môi trường bằng việc sử dụng ít vật liệu tự nhiên hơn. Trong trường hợp lựa chọn giải pháp cọc khoan nhồi hoặc cọc barrett thì các Nhà thầu thường lựa chọn sử dụng dung dịch khoan có thành phần polyme/bentonite (Bentonite là loại sét khoáng có tính trương nở và có độ nhớt cao. Bột bentonite khi trộn với nước sẽ tạo thành một dung dịch có tác dụng tạo màng và duy trì sự ổn định thành hố khoan). Riêng khoan hạ thì không sử dụng giải pháp này mà chỉ sử dụng nước đơn thuần đánh trộn với xi măng kết hợp với đất nguyên thổ tạo thành bê tông xi măng đất và khi đó đoạn cọc PHC (cọc ống bê tông đúc sẵn - ứng suất trước) đóng vai trò như một thanh cốt gia cường chịu lực và truyền tải tác động từ đài móng xuống nền đất.
Ngoài yếu tố gia tăng tính hiệu quả của việc sử dụng tiết kiệm chi phí và ít gây tác động tới môi trường thì loại hình cọc khoan hạ có ưu điểm về năng suất thi công. So với cọc khoan nhồi, trong một ngày đêm (24 giờ) với năng lực thi công bình thường thì nhà thầu có thể thi công được 1 cọc với 1 thiết bị thi công chính, còn khoan hạ có thể làm được 4 cọc, hiệu suất về tốc độ được đẩy lên 400%. Điều đó tác động trực tiếp đến việc tiết kiệm thời gian thi công và gia tăng giá trị, lợi ích và lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, do cọc được sản xuất đại trà tại nhà máy nên dễ dàng kiểm soát được chất lượng và độ ổn định bởi tất cả các công đoạn được quản lý theo tiêu chuẩn ISO, phù hợp các chuẩn mực về quản lý chất lượng quốc tế.
“Tối ưu hóa tải trọng và không có vật liệu dư thừa, không phải cắt bỏ cọc gây lãng phí, thiết kế bao nhiêu làm đúng bây nhiêu, không phát sinh chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho nhà thầu thi công xây dựng giai đoạn tiếp theo là các ưu điểm nổi bật của phương án khoan hạ cọc. Quá trình khoan để hạ cọc cũng không gây rung lắc, không tác động đến mực nước ngầm cũng như không sử dụng các loại hóa chất có khả năng gây ảnh hưởng hoặc tác động xấu đến môi trường và tiết kiệm được vật liệu tự nhiên cho các thế hệ tương lai, gia tăng tính bền vững là các giá trị cộng thêm nổi bật của cọc khoan hạ…”, ông Hoàng chia sẻ thêm.
(Nguồn tin: Báo Xây Dựng)